Thứ Tư, 9 tháng 12, 2015

TÀU CHIẾN HIỆN ĐẠI CỦA VIỆT NAM ĐƯỢC SỬA CHỮA NHƯ THẾ NÀO

Dưới cái nắng gay gắt và lộng gió, trong lòng ụ chìm, sừng sững chiếc tàu hộ vệ săn ngầm số hiệu HQ15 của Vùng 2 hải quân đang được bảo trì. Hiện tàu săn ngầm HQ15 đang được sửa chữa một số vũ khí, hầm lạnh điều hòa và hệ động lực. “Khó nhất là phần kết nối đồng bộ giữa vũ khí khí tài và tuôcbin khí, phải thuê thêm cả chuyên gia. Việc sửa chữa loại tàu này là yêu cầu thường xuyên cấp bách. Nếu đưa ra nước ngoài sửa ở nơi gần Việt Nam nhất thì chi phí đã gấp ít nhất 2-3 lần”, Thiếu tá Phạm Văn Tuấn, trưởng phòng kỹ thuật nhà máy X51, cho hay. Đây là thế hệ tàu hộ vệ săn ngầm có hệ thống radar thủy âm dò tàu ngầm (tìm kiếm và phóng lôi tiêu diệt tàu ngầm cũng như các mục tiêu dưới nước).
Nhà máy X51 đã đóng một loạt sáu tàu đánh cá ngừ đại dương cấp đông lớn nhất khu vực Đông Nam Á và thuộc dạng hiện đại nhất thế giới đã xuất khẩu sang Pháp. Ngoài ra, X51 đã đóng mới nhiều tàu chiến có hàm lượng kỹ thuật cao, đặc biệt là việc tham gia đóng mới tàu tên lửa tấn công nhanh “Tia chớp” Molniya (2013).

Ở khu vực khác của nhà máy, một chiếc tàu quét mìn của Vùng 3 hải quân đang nằm trên đốc sửa chữa, còn chiếc kia nằm dưới cảng. “Việt Nam chỉ còn 4 tàu quét mìn và do nhà máy X51 đặc trách sửa chữa. Đây được coi là loại tàu “độc” nhất khu vực Đông Nam Á, chỉ Việt Nam mới có” - Chính ủy Nhà máy X51 Trần Văn Thụ cho biết.
“Các kỹ sư, công nhân đang “đau đầu” tìm phương án để sửa chữa bộ phận rađa thủy âm (sonar) của tàu quét mìn. Phần giá đỡ radar thủy âm đã bị hư hỏng. “Đây là lần đầu tiên sửa chữa hạng mục này ở Việt Nam. Cục Kỹ thuật hải quân yêu cầu sửa chữa triệt để nhằm đảm bảo tính chính xác, hiệu quả khi sonar làm việc. Vấn đề khiến chúng tôi đau đáu là phải có thiết bị đưa tàu lên khỏi mặt đất 7 m để tháo rời khối sonar đó ra sửa nhưng ở Việt Nam các trang thiết bị nâng chỉ cho phép đưa tàu lên độ cao 3,5-4 m”, ông Tuấn cho biết.
Thiếu tá Tuấn tự hào nói: “Có những tình huống ngay cả chuyên gia của đất nước sản xuất tàu chiến hàng đầu thế giới cũng phải “bó tay” nhưng người Việt lại làm được. Như khi Nga bàn giao tàu cho mình được bốn tháng thì máy phụ có vấn đề. Suốt 8 tháng sau trong thời gian bảo hành, họ thay 5-7 cái bơm thủy lực không thành công. Cứ thay vào được 2-3 tháng là bánh răng côn lại gãy hỏng. Các chuyên gia không hiểu tại sao. Lúc đầu chúng tôi định từ chối hạng mục ấy vì chuyên gia Nga cả năm làm không được mà lỗi này do nhà sản xuất. Nhưng sau tò mò nghề nghiệp và cũng là nhiệm vụ thì không có lý do gì từ chối”.
Sau khi tháo toàn bộ hệ thống thủy lực máy phụ ra nghiên cứu, chỉ trong một tuần, chính một người thợ chỉ học trung cấp kỹ thuật hải quân - thiếu tá chuyên nghiệp Phan Tiến Quân, tổ trưởng tổ máy - đã phát hiện một lỗi: trục của bơm thủy lực đồng tâm giữa bánh răng chuyển động của bơm thủy lực với máy không ăn khớp. “Sau khi mài giũa, lắp ráp và đưa xuống nước thử thì thành công ngay từ lần đầu tiên. Mình chỉ thay một cáibơm thủy lực. Chúng tôi đã bàn giao tàu cho Vùng 5 hải quân đầu năm nay. Từ đó đến giờ đã sáu tháng nhưng máy chưa có vấn đề gì”, ông Tuấn cho biết.
Ở nhà máy X51 có rất nhiều cái tên được gọi là “cây sáng kiến” như Tâm, Châu, Ước, Lực, Hào... Trưởng phòng kỹ thuật Phạm Văn Tuấn (sinh năm 1974) mà mọi người trêu là “người suốt ngày sống về khen thưởng chứ không bằng lương” bởi sở hữu rất nhiều sáng kiến. Còn quản đốc phân xưởng cơ khí - Thượng tá Nguyễn Văn Luận - có nhiều sáng kiến đến nỗi không thể nhớ hết. Hiện ở nhà máy vẫn còn sử dụng những máy do anh chế tạo: máy ép hai trục lớn 400 tấn, máy gò thép hình 200 tấn, máy uốn ống phi 49...
Người thượng tá này cũng chế tạo tời neo cho các loạt tàu đóng mới, tàu kéo, tàu chiến phải thay đổi thiết kế; chế tạo tời cẩu xuồng cho các tàu đóng mới. Tốt nghiệp trung cấp Tổng cục công nghiệp quốc phòng (Phú Thọ), anh Luận đi lên từ một người thợ rồi làm trợ lý kỹ thuật, trợ lý kỹ thuật đóng mới. Rồi anh dành dụm tiền đi học bổ túc kiến thức tại Đại học Mở TP.HCM. Chiều nào cũng thế, tan ca là anh lại chạy từ Nhà Bè lên trung tâm thành phố học từ 17h-20h.
37 năm, từ việc đóng tàu gỗ đến đóng tàu sắt, từ việc chỉ đóng sửa tàu dưới 1.000 tấn và bây giờ là đóng sửa tàu 5.000 tấn, trước chỉ sửa chữa những tàu có tính bổ trợ (tàu nước, tàu vận tải...) bây giờ đã sửa chữa các tàu chiến đấu và từ năm 2003 bắt đầu đảm bảo các tàu chiến đấu hiện đại nhất của Quân chủng Hải quân... là bước đi vượt bậc của nhà máy X51.
Chính ủy nhà máy Trần Văn Thụ cho biết: “Mục tiêu hướng đến và cũng là nhiệm vụ mới được giao cho nhà máy là phải sửa chữa thủy lực và bảo dưỡng được hai tàu hộ vệ tên lửa hiện đại nhất Việt Nam: Đinh Tiên Hoàng và Lý Thái Tổ. Đơn vị đã và đang được giao nhiệm vụ nghiên cứu, nắm bắt tính năng kỹ chiến thuật và trang bị, vũ khí khí tài để sẵn sàng làm nhiệm vụ sửa chữa khi có lệnh. Chúng tôi đang trăn trở về việc đưa “thợ đặc chủng” (sửa chữa hạng mục vũ khí khí tài) đi đào tạo thêm vì lực lượng sửa chữa hạng mục rất đặc biệt này được coi là “của độc”, “của hiếm” ở nhà máy. Bởi các tàu chiến đấu ngày càng hiện đại, không đi trước đón đầu thì không thể làm tốt nhiệm vụ”.
Theo Tuổi Trẻ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét