Thứ Ba, 22 tháng 12, 2015

HỆ THỐNG PHANH ABS HOẠT ĐỘNG NHƯ THẾ NÀO

ABS là viết tắt của Anti-Lock Braking System, hệ thống chống bó cứng phanh, được phát minh bởi Gabriel Voisin vào cuối những năm 1920 để giải quyết một số vấn đề ở hệ thống phanh của máy bay nhưng lại được áp dụng rộng rãi đầu tiên trong ngành công nghiệp ô tô.  Phải mất khoảng 70 năm kể từ khi ABS được phát minh đến khi trang bị này trở thành phổ biến trên ô tô và xe mô tô phân khối lớn. Lý do là chi phí sản xuất hệ thống vi xử lý trung tâm và các cảm biến đã rẻ hơn trước nhiều lần.
Đối với một chiếc xe không được trang bị hệ thống chống bó cứng phanh (ABS), khi đạp mạnh cần phanh xuống, một hoặc cả 4 bánh xe sẽ đột ngột ngừng quay như bị khóa cứng lại, khi đó nó sẽ trượt hoặc lết đi trên mặt đường dẫn tới việc người lái gần như không thể nào kiểm soát được hướng di chuyển của xe.
Hệ thống phanh ABS với cơ chế bám-nhả liên tục khiến môtô không bị mất lực bám ngang gây hiện tượng lắc đuôi xe khi phanh gấp.  Nếu trường hợp xe không có ABS, người lái cần có kỹ thuật phanh gấp: dùng mũi chân đạp mạnh vào cần phanh, ngay lập tức nhả nhẹ ra và lặp lại cho tới khi tốc độ giảm như ý. Điểm mấu chốt của kỹ thuật phanh là người lái phải cảm nhận được thời điểm nhả phanh trước giới hạn trượt lốp.
Toàn bộ quá trình phức tạp nói trên sẽ do hệ thống ABS đảm nhiệm hoàn toàn tự động, nhanh hơn và chính xác hơn so với con người. ABS sẽ hỗ trợ bằng cách bóp-nhả liên tục, hạn chế lực tác động vào đĩa phanh khi người lái bóp hoặc đạp phanh quá nhanh, lực quá lớn và giữ bánh xe vẫn quay.
Cũng chính vì điều này nên các giải đua xe đã cấm sử dụng công nghệ này để tay lái có dịp phô bày kỹ năng điêu luyện của họ nhưng đối với người dùng thương mại thì lại rất cần. Một hệ thống phanh ABS 4 kênh gồm 4 thành phần chính: các cảm biến tốc độ tại mỗi bánh xe, van điều khiển bằng máy tính trên đường dẫn động đến mỗi phanh, 1 bơm thủy lực giúp phục hồi áp lực của piston thủy lực và một vi xử lý (IC) giám sát toàn bộ quá trình vận hành của hệ thống (ECU).
Cảm biến: Bộ phận cảm biến có nhiệm vụ phát hiện khi có lực phanh, đo tốc độ quay của bánh, khả năng cân bằng và độ trượt không nằm trong giới hạn an toàn. Bộ phận cảm biến có các khe hở nằm sát trục quay của bánh và có thể nhận ra bằng mắt thường.
Bộ điều khiển (ECU): Bộ điều khiển có nhiệm vụ tiếp nhận, phân tích, so sánh các thông tin do cảm biến gửi về. Ngoài ra, bộ điều khiển còn đóng vai trò ghi nhớ những thông số đã từng kích hoạt trước đó để phản ứng cho những tình huống tương tự lần sau.
Bơm thủy lực: trong hệ thống ABS cũng bao gồm pít-tông và xi-lanh. Bơm thủy lực sẽ điều chỉnh lực đẩy dầu lên má phanh dưới sự trợ giúp của các van. Bên cạnh đó, các van còn hỗ trợ điều chỉnh lực tác động vào má phanh.
Hệ thống ABS gồm cảm biến, bơm thủy lực và bộ điều khiển ECU
Như đã biết, đối với hệ thống phanh thông thường khi người lái bóp phanh gấp, má phanh sẽ áp chặt vào đĩa phanh làm bánh xe cứng đơ, không xoay được, từ đó gây hiện tượng khóa bánh và lốp mất độ bám dẫn đến tai nạn. Trong khi đó, hệ thống ABS sẽ căn cứ vào lực phanh và tốc độ quay của bánh xe để phản ứng.
Khi người lái xe mô tô bóp mạnh phanh, hệ thống ABS sẽ kích hoạt, duy trì độ trượt của bánh xe trên mặt đường trong giới hạn cho phép. Sau đó, để xe không bị mất thăng bằng và đổ, hệ thống ABS sẽ bóp nhả phanh liên tục, hạn chế lực tác động mạnh từ má phanh vào đĩa phanh, giữ bánh xe vẫn quay mà không bị khóa cứng.
Đừng bao giờ ỷ lại với hệ thống ABS mà lái xe một cách cẩu thả hoặc hung hăng hơn so với xe không có ABS. Tuy hệ thống chống bó cứng phanh hỗ trợ người lái rất nhiều nhưng không phải là tuyệt đối. Vì thế việc nhiều tay lái non kinh nghiệm quá tin tưởng vào ABS và phó mặc an toàn cho công nghệ này là một sai lầm lớn. Quan trọng nhất vẫn là rèn luyện kỹ năng cho bản thân để xử lý các tình huống bất ngờ xảy đến trên đường.
Theo VTC News

0 nhận xét:

Đăng nhận xét