Thứ Hai, 30 tháng 11, 2015

DẦU NHỚT “BIẾN” ĐỘNG CƠ THÀNH SẮT VỤN

Theo tiết lộ của nhiều chủ tiệm sửa xe gắn máy trên địa bàn TP.HCM, dầu nhớt giả đã xuất hiện từ lâu. Hầu hết tiệm sửa xe gắn máy đều được các đối tượng sản xuất, kinh doanh dầu nhớt giả đặt quan hệ. Khi có nhu cầu, họ sẽ chào hàng, bỏ mối với giá thấp hơn nửa giá dầu nhớt thật.
Anh N.M.T. (35 tuổi, ngụ đường 1A, huyện Bình Chánh, TP.HCM) cho biết: “Trước đây, tôi làm cho hãng Honda đã từng nghe vụ nhớt giả. Bây giờ ra mở tiệm riêng, liên tục được mấy anh nhớt giả chèo kéo, bỏ mối. Ngày nào cũng vậy, cứ khoảng 8 – 9h tối, họ bắt đầu lang thang đến các tiệm sửa xe đặt vấn đề.
Tất cả các mặt hàng nhớt thải cao cấp chỉ có giá từ 50.000-60.000 đồng/bình. Tôi cũng nhận một bình nhưng chỉ để làm mẫu cho khách xem, chứ không dám nhận vì xài cái này mau xuống xe, khách hàng biết thì bỏ nghề”. Theo anh T. mặc dù biết sự nguy hại của dầu nhớt giả đối với động cơ, nhưng không ít tiệm sửa xe, cửa hàng kinh doanh phụ tùng xe gắn máy vẫn bình thản trở thành “đại lý” phân phối, tiêu thụ dầu nhớt giả. Đơn giản, vì món lợi kếch sù mà nó mang lại.

“Nhớt giả bây giờ nhìn bên ngoài không khác gì nhớt thật, không thể phân biệt được nhưng giá lại thấp hơn nhiều nhớt chính hãng, nhớt cao cấp. Đối với các tiệm sửa xe, sử dụng các loại nhớt “dỏm” này đem lại món lời khủng. Một chai nhớt tốt có giá trên 80.000 – 90.000 đồng nhưng nhớt giả rẻ hơn đến một nửa.
Như vậy, nếu dùng nhớt giả, chủ tiệm lời hơn 40.000 – 50.000 đồng/bình. Lời nhiều nên hầu hết cửa hàng sửa xe, bán phụ tùng đều bán, sử dụng nhớt giả. Chỉ có khách quen, khách mối, người ta mới dùng nhớt tốt thôi”, anh T. cho biết thêm.
Trên thị trường hiện nay, hầu hết sản phẩm dầu nhớt cao cấp, có thương hiệu như: AP Oil Singapore, BP, Shell, Petrolimex... đều bị làm nhái, giả. Việc làm giả được tiến hành tinh vi đến mức với những chuyên gia về động cơ, nếu chỉ quan sát bằng mắt thường cũng không dễ dàng phát hiện được.
Cũng theo lời anh T, hành vi làm giả tinh vi nhất là làm giả trực tiếp trên chính vỏ bình, nhãn mác của các thương hiệu. Trước đây, công nghệ sản xuất nhớt giả chỉ tập trung trong các nhà máy có công nghệ hiện đại.
“Thú thực, chuyện làm dầu nhớt xe gắn máy giả, tôi cũng biết đôi chút. Để có nguồn hàng, các đối tượng làm giả thường tìm đến những tiệm sửa xe mua lại vỏ bình nhớt cao cấp vừa qua sử dụng, còn nguyên vẹn, sạch sẽ với giá từ 2.000 – 5.000 đồng/vỏ. Sau đó, họ mua nhớt cũ rồi dập nắp đem bỏ mối cho các tiệm sửa xe. Tuy nhiên, hiện nay, cách thức này trở nên lỗi thời và không lời nhiều. Người ta chuyển sang làm giả bằng cách sử dụng nhớt thải, hoặc tự nấu bằng hóa chất. Cái này thì phải có người hướng dẫn, phải có máy móc. Nghe đâu, nếu muốn học, mấy tay làm giả cũng hướng dẫn, thậm chí sẵn sàng “chuyển giao công nghệ” với giá 100 triệu đồng”, anh T. bày tỏ.
Theo ông Thái Văn Quyền – công ty cổ phần Ap Saigon Petro, để làm dầu nhờn đúng phẩm cấp và chất lượng phải lấy 100% dầu gốc được chiết ra từ các nhà máy lọc dầu để làm nguyên liệu, cho thêm phụ gia nhập khẩu. Dầu gốc loại này đã có đầy đủ các tiêu chí như chỉ số độ nhớt, nhiệt độ chớp cháy, trị số kiềm tổng, tổng lượng acid... đảm bảo làm trơn, mát, chống gỉ sét, chống mài mòn, chống tạo bọt, tốt cho động cơ và thiết bị...
Tuy nhiên, vì lợi nhuận cao, các cơ sở nhỏ, công ty tư nhân mua nhớt cũ đã về nấu lại, rồi cho thêm hạt nhựa PE, cao su tổng hợp... vào để tạo độ nhờn rồi đem đổ vào bình thật của các nhãn hàng có tên tuổi, tung ra thị trường. Thông tin trên cũng được nhiều chủ cửa hàng sửa xe ô tô, gắn máy xác nhận. Họ cho biết, hàng tuần vẫn có các đầu nậu đến cửa hàng thu mua nhớt thải. Hiện nay, các cơ sở sản xuất nhớt giả đã vươn mình, chú trọng đầu tư thiết bị làm giả một cách có hệ thống.
Cụ thể, để “tái sinh” nhớt thải, các cơ sở đầu tư lắp đặt máy tách nước, cặn trong dầu nhớt thải, máy pha trộn và tẩy màu, máy chiết rót dầu nhớt bằng vòi chiết bán tự động. Tinh vi hơn, nhiều lò sản xuất chui còn đầu tư thêm máy móc, in ngày sản xuất và hạn sử dụng lên sản phẩm, máy dán màng siêu (miếng giấy bạc bao miệng chai dầu nhớt)... Đáng sợ hơn, nhiều lò sản xuất dầu nhớt giả còn “phát minh” ra công nghệ chế tạo nhớt rởm khác từ các nguồn nguyên liệu trôi nổi.
Xác minh thông tin qua nhiều nguồn từng tham gia sản xuất nhớt giả, dầu nhớt giả hoàn toàn có thể được nấu bằng dầu khoáng và các chất phụ gia khác. Việc nấu được tiến hành trong lò đạt nhiệt độ 50oC trong khoảng 1 giờ đồng hồ.

Dầu nhớt “biến” động cơ thành sắt vụn
Cách phân biệt dầu nhớt giả, thật được cộng đồng mạng chia sẻ trên các diễn đàn.
 Ông V.H.D. (40 tuổi, ngụ huyện Bình Tân, TP.HCM) – người từng tham gia nấu dầu nhớt giả phản ánh: “Chế dầu nhớt giả từ nhớt loại thải dồi dào nguyên liệu thật nhưng phải đầu tư máy lọc, máy tách nước, tẩy màu... khá tốn kém. Do đó, tự nấu bằng dầu khoáng đơn giản hơn và giảm được chi phí. Ngoài dầu khoáng, người ta mua thêm hạt nhựa PE để tăng độ nhớt, hóa chất singum để tạo mùi... Trộn chung các phụ gia này nấu lên để nguội là thành nhớt hảo hạng ngay”.
Theo ông Thái Văn Quyền, hiện nay, các đối tượng làm giả chủ yếu tập trung sản xuất, làm giả nhớt 10, nhớt thiết bị thủy lực, nhớt hộp số và nhớt động cơ vì sản lượng tiêu thụ lớn. Các sản phẩm này thường được tiêu thụ bằng cách bỏ rẻ cho cửa tiệm sửa xe, cửa hàng kinh doanh phụ tùng xe gắn máy, ô tô...
Vị này cũng giải thích, dù thủ đoạn làm giả tinh vi là vậy nhưng vẫn có cách nhận biết dầu nhớt giả. Đối với các loại dầu nhớt sử dụng cho việc bôi trơn xe gắn máy, khách hàng cần phải chú ý phần nắp bạc. Vỏ chai nhớt giả do sử dụng nhiều lần nên trên thân chai có dấu hiệu bẩn và lem dầu nhớt, trong khi chai nhớt thật rất sạch sẽ.
Lớp niêm phong như nắp chai, vòng đệm nắp chai và siêu dán của chai nhớt giả do gia công bằng tay nên rất xấu. Riêng siêu dán của chai nhớt thật, nhiều hãng dùng công nghệ 3D nên rất tinh xảo.
Theo Nguoiduatin

0 nhận xét:

Đăng nhận xét